Mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu

Chắc hẳn các khán giả bóng đá đã rất nhiều lần được nghe về một vị trí thi đấu, nhưng tên của vị trí đó lại là một… số áo. Ví dụ, “số 1” luôn được hiểu là thủ môn – vị trí đặc biệt trong một tập thể trên sân. Hay “số 7”, “số 11” được ngầm hiểu là các cầu thủ chạy cánh, “số 8” là các tiền vệ hoạt động từ rìa vòng cấm này sang rìa vòng cấm kia, “số 10” là các nhạc trưởng chuyên điều phối bóng trên mặt trận tấn công, “số 9” là tay săn bàn chủ lực…

Đặc biệt, do đặc trưng về khu vực hoạt động, ngày nay một số không gian nhất định trên sân cũng được gọi tên theo số áo, ví dụ như “không gian số 10”.

Cùng lúc đó, lại có những vị trí có nhiều tên một lúc. Điển hình là tiền vệ phòng ngự. Vai trò của anh này có người gọi là “số 4”, có người gọi là “số 6”, có người lại gọi là “số 5”. Vậy bên nào mới là chính xác?

Hãy cùng tìm hiểu mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu

Mọi thứ bắt đầu từ năm 1939, khi Liên đoàn Bóng đá Anh đưa ra qui định các cầu thủ trên sân phải mặc áo cố định dựa trên vị trí thi đấu trên sân. Đó là thời điểm mà tại nước Anh, 2-3-5 được xem là sơ đồ thi đấu phổ biến nhất, dù trên thực tế, sơ đồ W-M đã và đang đi tới cực thịnh tại đất nước này.

2-3-5 có thể xem như hệ thống thi đấu rõ ràng đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử bóng đá thế giới. Người Anh đánh số lần lượt như sau: số 1 cho thủ môn; số 2 và 3 lần lượt cho hai hậu vệ; số 4, 5 và 6 lần lượt cho ba trung vệ (từ gốc: “half”); số 7, 8, 9, 10, 11 lần lượt cho năm tiền đạo. Không có số áo nào khác bởi cho tới tận năm 1965, người ta mới cho phép các đội có sự thay đổi cầu thủ trong trận đấu – dẫn tới việc cầu thủ dự bị cũng cần số áo.

Mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu
Mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu

Tuy nhiên, ở thời điểm ấy, thực chất sơ đồ W-M đã được HLV Herbert Chapman sáng tạo ra. Ông yêu cầu người chơi chính giữa trong 3 trung vệ lùi hẳn lại, về ngang các hậu vệ, còn hai hậu vệ chơi rộng hơn sang hai bên, từ đó sinh ra hàng thủ gồm 3 người. Đây cũng chính là lý do vì sao tại Anh, các hậu vệ giữa (“central defender”) vẫn được quen gọi là trung vệ (“central-half”). Hai trung vệ còn lại khi lùi thấp thì dần được gọi là các “half-back” – cái tên mà tới ngày nay đã thay đổi ý nghĩa rất nhiều.

Trung vệ Ferdinand, mặc áo số 5 truyền thống kiểu Anh
Trung vệ Ferdinand, mặc áo số 5 truyền thống kiểu Anh

Điều trùng hợp là tại Việt Nam, từ “trung vệ” đã từng có một thời gian dài được dùng dành cho các cầu thủ chơi tiền vệ. Đó không hẳn là một sự nhầm lẫn kiến thức, mà là một thói quen dùng từ ngữ cổ điển (xem các bản dịch cũ của Subasa, Jindo).

Ở tuyến trên, Chapman yêu cầu hai tiền đạo bên trong (“inside forward”) lùi lại để dễ kết nối hơn với tuyến dưới. Đó cũng chính là lý do vì sao các “số 8”, “số 10” lại thường đi kèm với quan niệm là cầu thủ chuyên làm bóng.

Khi ấy, tại Nam Mỹ, một sơ đồ mới hình thành và dần trở nên phổ biến, chủ yếu nhờ khả năng khắc trị sơ đồ W-M. Đó là 4-2-4. Với thành công rực rỡ của các CLB Brazil trong thập niên 1940 và ảnh hưởng của nó lan tới tận châu Âu trong thập niên 1950.

Tại Anh, khi chuyển từ W-M sang 4-2-4, họ kéo “half-back” mặc áo số 6 xuống tuyến dưới cùng. Hai hậu vệ số 2 và số 3 chơi rộng hẳn sang hai biên và trở nên chuyên biệt. Cầu thủ số 4 tiến lên, số 8 lùi lại và bắt cặp thành bộ đôi tuyến giữa.

Mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu
Mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu

Tại Argentina lại có một sự khác biệt đáng kể. Số 5 được trở lại vị trí trước mặt hàng thủ, còn số 3 thì phụ trách hẳn biên trái. Để đảm bảo chắc chắn, “half-back” trái là số 6 được kéo về vị trí ở giữa hàng thủ. Trong khi đó, “half-back” phải là số 4 thì lùi về chơi bám biên phải, che chắn cho số 2.

Tuy nhiên ở một số nơi, việc số 2 thi đấu bên ngoài còn số 4 mới là người lùi lại bên trong vẫn tương đối phổ biến – lý giải cho việc ngay tại Argentina, số 2 và số 4 thường chỉ cố định là cặp đôi chơi lệch phải tại hàng thủ, thay vì cố định theo vị trí. Ở Brazil và Uruguay, hình ảnh bên đối diện cũng xuất hiện khi số 3 mới là những người cố định ở giữa, còn số 6 mới là người chuyển sang biên trái của hàng thủ.

Số 6 tại Brazil là số 3 tại châu Âu
Số 6 tại Brazil là số 3 tại châu Âu

Khác với nước Anh, tại châu Âu lục địa, khi tiếp nhận sự sáng tạo về sơ đồ W-M và sau này là 4-2-4 xuất hiện, những “half-back” lùi lại giữa hàng thủ lại là số 4 và số 5, còn số 6 thì tiếp tục giữ vai trò người đá trụ trước mặt hàng thủ.

Mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu
Mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu

Đây chính là lý do khiến cho cùng một vị trí tiền vệ trụ nhưng cầu thủ tại Anh thì sẽ được gọi là “số 4” nhưng Nam Mỹ thì là “số 5”, nhưng tại châu Âu lục địa thì là “số 6”.

4-2-4 dần trở thành 4-4-2 theo thời gian, khi số 7 và số 11 lùi xuống thấp hơn. Khi trở thành sơ đồ 4-2-3-1 hay 4-4-1-1 sau này, cầu thủ số 10 là người lùi lại phía sau, còn số 9 vẫn cắm trên cùng.

Một biến thể khác của 4-2-4 xuất hiện tại Argentina là 4-3-1-2, trong đó số 11 lùi lại giữa sân để trở thành một tiền vệ trung tâm, trong khi đó số 7 đẩy cao hơn và trở thành một tiền đạo trên cùng. Số 10 được dành cho cầu thủ quan trọng nhất trong sơ đồ này. Đây cũng chính là lý do vì sao tại Argentina, Angel Di Maria thường được gọi là “số 11 hoàn hảo” – anh vừa có thể chạy cánh, vừa có thể bó vào bên trong để chơi tiền vệ trung tâm.

Mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu 4
Mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu 4

Tại châu Âu lục địa, một loại biến thể khác của 4-2-4 xuất hiện khi “số 10” lùi thấp hơn nữa và tham gia nhận bóng từ tuyến dưới nhiều hơn, chủ động hơn. Tại Hà Lan và Tây Ban Nha, họ gọi đây là 4-3-3, còn tại Đức và Áo, họ gọi đây là 4-1-4-1. Kỳ thực chúng là cùng một sơ đồ như nhau.

Mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu 5
Mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu 5

Cách vận hành của các sơ đồ này cũng lại vô cùng khác nhau. Tại Hà Lan, Johan Cruyff nổi tiếng với việc ưa thích mặc áo số 9 nếu số áo buộc phải cố định và ông có thể xem như một trong những “số 9” đỉnh cao đầu tiên không nhất định hoạt động cắm trên cùng, gần vòng cấm địa. Trước Cruyff còn một số bậc tiền bối nữa cũng thể hiện phong cách tương tự – trung phong duy nhất, nhưng hoạt động rất rộng – và họ chính là hiện thân của “số 9 ảo” như cách đặt tên ngày nay.

Johan Cruyff Barcelona
Johan Cruyff Barcelona

Một nền văn hóa chiến thuật nữa tạo ra sự đa dạng về cách đặt tên theo số áo là Italy. Cũng như một vài quốc gia khác (Hà Lan), Italy chịu ảnh hưởng khá lớn về sự “truyền giáo” của người Anh trong môn bóng đá đầu thế kỷ 20. Và đó cũng là lý do vì sao tại Italy, các tiền vệ trụ cũng là số 4, các hậu vệ chơi giữa sân cũng là số 5 và số 6, các cầu thủ hậu vệ biên cũng là số 2 và số 3. Tuy nhiên, sự phát triển lên đỉnh cao của Catenaccio đã dẫn tới một hệ thống đánh số áo tương đối khác biệt.

Cụ thể, hậu vệ quét – “libero” – là cầu thủ mang áo số 6, hoạt động sau lưng 2 hậu vệ dập trước mặt là số 2 và số 5. Cầu thủ chạy biên trái – “terzino fluidificante” (“wingback”) – mặc áo số 3. Ở giữa sân là bộ ba cổ điển gồm số 4 trong vai trò tiền vệ trụ, số 8 trong vai trò con thoi (box-to-box) và số 10 là nhạc trưởng. Số 7 là cầu thủ chạy cánh phải, trong khi đó hai tiền đạo là số 9 và số 11 (trong đó số 11 hoạt động thường lệch sang biên trái).

Mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu 6
Mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu 6

Tuy nhiên, khi dần trở thành 3-5-2 sau này, hệ thống đánh số tại Ý không còn cố định mà trở nên khá linh hoạt theo ý thích của từng tập thể cầu thủ.

Cũng với sơ đồ 3 hậu vệ thì tại Argentina, ông Carlos Bilardo – một trong những người tự xưng là “cha đẻ” của 3-5-2 – đánh số như sau: số 2 là hậu vệ thòng, số 4 và số 6 là hậu vệ quét, số 3 và số 8 chạy cánh, số 5 làm “ác quỉ” thu hồi bóng, số 11 và số 7 đá con thoi, cặp tiền đạo số 9 cắm cao và số 10 đá lùi thấp hơn. Trong một số trường hợp, 3-5-2 có thể chuyển thành 3-4-1-2 với số 7 hoặc số 11 dâng lên thành một tiền đạo, số 10 lùi hẳn lại để hoạt động gần giữa sân hơn.

Mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu 7
Mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu 7

Cho tới ngày nay, các cầu thủ đã không cần ra sân trong các số áo cố định nữa. Vì vậy, vai trò của các số áo cổ điển hầu như đã được chuyển dùng để gọi vai trò thi đấu trên sân. Chúng ta vẫn sẽ luôn biết “số 1” là thủ môn, “số 9” là tiền đạo chính, “số 10” là cầu thủ kiến tạo, “số 8” là con thoi. Và chúng ta cũng sẽ cùng hiểu vì sao “số 5” của người Nam Mỹ lại là “số 6” của châu Âu, “số 4” của Anh. Hay “số 11 Argentina” là người như thế nào, “số 6 Brazil” chạy cánh quyết liệt ra sao…

Bài viết Mối liên hệ giữa số áo và vị trí thi đấu đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Dữ Liệu Bóng Đá Net.

Via Dữ Liệu Bóng Đá Net https://ift.tt/3q64FBf

Comments

Popular posts from this blog

Nhận định bóng đá Cagliari vs Torino | 02h45 Ngày 07/12 | Vòng 16 Serie A

Nhận định bóng đá FC Porto vs Atletico Madrid | 03h00 Ngày 08/12 | UEFA Champions League

Tỷ số và tỉ lệ 2 in 1 tỷ lệ Châu á Crowns – Chính xác